2 Votes Sau nhiều tháng liền gồng gánh với đủ phương cách, từ giãn ca cho đến nghỉ luân phiên để duy trì, nhiều doanh nghiệp tại TP.HCM bắt đầu cho hàng loạt lao động nghỉ việc. Khi khu vực kinh tế chính thức hụt hơi, khu vực kinh tế phi chính thức lại thành điểm tựa của nhiều lao động.
Bán hàng rong, chạy xe công nghệ
Hơn một tháng nay, sáng nào chị Lê Hoàng Trang (38 tuổi, quê Vĩnh Long) cũng thức dậy từ 4 giờ sáng, một mình chạy xe xuống chợ đầu mối Bình Điền để chở cam về bán ở chợ Bùi Văn Ba (quận 7). Chị Trang là công nhân may ở Khu chế xuất Tân Thuận (quận 7), đã mất việc 2 tháng nay vì dịch COVID-19. “Tôi làm ở công ty 18 năm rồi. Công ty xuất hàng ra nước ngoài, nhiều tháng qua không có đơn hàng, giãn việc chừng một tháng nhưng cuối cùng cũng phải cho nghỉ cả ngàn công nhân. Tôi cũng nằm trong số đó” – chị kể. Mất việc ở công ty cũ, chị xin việc ở một công ty may khác nhưng “mấy công ty may đều đang khó khăn nên đâu có ai tuyển”, các công ty khác tuyển dụng thì chủ yếu là về linh kiện điện tử, không phải chuyên môn của chị. “Cuối cùng tôi phải chấp nhận làm trái ngành và xin phỏng vấn ở một công ty về linh kiện điện tử. Nhưng người thất nghiệp đi phỏng vấn đông lắm. Công ty tuyển 20 người mà chắc phải hơn 50 người tới xin việc. Họ ưu tiên tuyển người từ 35 tuổi trở xuống, tôi 38 tuổi rồi nên càng khó được nhận” – chị chia sẻ. Sẵn có người quen đang chở mối cam đến chợ đầu mối Bình Điền nên chị cũng lấy cam về bán, mỗi ngày lấy chừng 60kg. Nhưng công việc bán cam dạo cũng đầy trắc trở. “Trong chợ không có chỗ đâu, tự nhiên ai đâu cho mình vào bán. Có một người quen bán quán cà phê gần chợ cho mình dựng xe tạm trước cửa để bán” – chị bảo. Nhưng mỗi ngày chị chỉ bán được chừng chục ký, số còn lại nhờ người quen vào công ty cũ rao giùm. “Canh giờ giải lao thì tôi chở cam vào giao” – chị Trang kể. Hai vợ chồng chị đều là công nhân. Bình thường lương chị mỗi tháng chừng 7-8 triệu. Giờ chỉ còn chồng chị đi làm lo cho gia đình ba người nên chi tiêu lúc nào cũng phải co kéo. Công việc bán cam cũng ngày càng khó khăn. “Lúc đầu bán cũng được nhưng mấy bữa sau có thêm rất nhiều xe chở cam đến bán gần đó. Mình lấy mối 15.000 đồng/kg, bán 18.000 đồng mà mấy xe cam kia họ bán đủ giá, 13.000 đồng/kg có, 25.000 đồng/2kg cũng có nên mình không bán lại họ” – chị than thở. Là lái xe giao hàng cho một công ty sản xuất gạch mỹ nghệ, anh Nguyễn Thanh Hoàng (41 tuổi, quê Bến Tre) đã mất việc ngay trong đợt dịch do công ty không có đơn hàng. Không tìm được việc làm mới, anh đành chạy tạm xe ôm công nghệ suốt hai tháng qua. “Hai vợ chồng đều làm công nhân, nuôi hai đứa con, tôi mất việc thì cả nhà chỉ trông chờ vào tiền lương của vợ. Mà suốt thời gian qua, thu nhập của vợ tôi cũng giảm 1/3 nên càng khó khăn” – anh kể. Nhưng “xe ôm công nghệ giờ nhiều người chạy quá nên bèo bọt, mỗi ngày chỉ kiếm nổi 50.000” nên anh đang tìm việc làm mới. “Tôi cũng chưa nghĩ sẽ xin việc gì, nhưng trở lại làm lái xe chắc cũng khó vì bằng mới nên tôi khó cạnh tranh lại nhiều người khác” – anh nói.
Chị Thanh Vân (26 tuổi, quê Bình Định) và chồng – công nhân ở một công ty giày tại quận 12 – đã cùng mất việc vào tháng 5 vừa qua. Không thể ở nhà lâu, hai vợ chồng chị, người thì đăng ký chạy xe ôm công nghệ, người thì xin bán hàng theo ca ở cửa hàng tiện lợi mở cửa 24/24 giờ. “Tôi làm công ty cũ 5 năm, tăng ca tối mặt tối mày mới đủ lo cho gia đình. Con trai tôi mổ tim nên để ở quê cùng với bà nội. Vậy mà đùng cái công ty cho nghỉ. Công ty có năm xưởng thì giải tán một xưởng cả ngàn người” – chị kể. Lúc đó chị Vân cũng vừa mới “ăn biên bản” vì lỗi thao tác. Thay vì bị phạt 500.000 đồng theo quy định, công ty thuyết phục chị viết đơn xin nghỉ để “nhường cơ hội làm việc cho người khác”. Những việc làm tạm thời mang lại cho họ khoản thu nhập không đáng kể, khó khăn vẫn bủa vây. “Ảnh chạy xe công nghệ đâu được bao nhiêu tiền. Tôi làm cửa hàng tiện lợi lương 4 triệu rưỡi nhưng sắp phải nghỉ vì làm ở đó phải theo ca, đi lúc 3 giờ sáng. Chủ nhà trọ nói đi làm cũng được nhưng phải có người ở nhà ra đóng cửa, không thì dễ xảy ra trộm cắp. Khu này vắng vẻ, chồng tôi chở đi rồi chạy xe luôn, không có ai đóng cửa nên phải nghỉ” – chị Vân thở dài. 10 năm làm việc cho một công ty may mặc của Singapore ở quận 12, chị Nguyễn Thị Hồng Vân (47 tuổi) đang đau đầu chưa biết tính sao vì sắp tới công ty cho nghỉ hẳn. Cùng làm chung công ty với chị là cô con gái 20 tuổi. Con gái chị đã chủ động xin nghỉ cách đây ba tuần khi tin công ty cho công nhân nghỉ việc bắt đầu rộ lên nhưng đến nay cũng chưa có việc. “Biết trước là sẽ bị cho nghỉ nên nó tính chạy trước, ra ngoài kiếm việc khác” – chị kể. Gia đình chị có năm người, hai vợ chồng, hai đứa con và bà nội ở trọ trong căn phòng chừng 12m2 đã 10 năm nay. Ngoài con gái lớn, con nhỏ 11 tuổi đang đi học. Từ sau tết đến nay, thu nhập của hai mẹ con chị luôn bấp bênh do công ty không có đơn hàng. “Bình thường tăng ca đến 8-9 giờ tối, lương 7-8 triệu, mấy tháng nay chỉ trên dưới 5 triệu, công ty chỉ nhận may khẩu trang hoặc vài đơn hàng nhỏ. Lẽ ra cho nghỉ từ tháng 3 nhưng công ty ráng gồng đến giờ” – chị kể. Chồng chị làm giao nhận cho một công ty sản xuất cưa cũng chịu cảnh lương giảm và nguy cơ mất việc ngay trước mắt. “Giờ co kéo chi tiêu, tằn tiện qua ngày chứ biết làm sao. 21-7 tới là nghỉ chính thức rồi. Chắc tôi kiếm cái xe đẩy, nấu đồ ăn đem bán” – chị Vân suy tính.
Bán hàng online chờ qua dịch
Là tiếp viên hàng không, anh P.Thái (26 tuổi, TP.HCM) đã chuyển qua nghề làm bánh, bán bánh từ giữa tháng 4 tới nay để chống chọi với tình trạng “nghỉ bay” kéo dài. “Tôi đã nghỉ từ giữa tháng 3 tới giờ. Tháng 2 trước đó thì cũng liên tục nghỉ. Tới tháng 4 thì thê thảm hơn. Đến nay hãng vẫn chưa có thông báo về việc đi làm lại” – anh chia sẻ. Thu nhập của tiếp viên như Thái phụ thuộc rất nhiều vào số chuyến bay bởi “lương cứng” chưa đầy chục triệu và khấu trừ rất nhiều khoản. Nhưng bốn tháng nay thì anh không có tiền bay và hầu như không có lương cứng do nghỉ kéo dài. Giữa tháng 4, anh mày mò học làm sữa chua, làm bánh đủ kiểu để bán online, mỗi ngày có chừng chục đơn hàng. Nhiều đồng nghiệp của Thái cũng trong tình trạng tương tự, và cũng “đang bán đủ thứ trên Facebook”. Nhiều người làm trong lĩnh vực du lịch, khách sạn những ngày này cũng chuyển qua bán hàng online để xoay xở kiếm thêm thu nhập. Anh Nguyễn Văn Thanh (32 tuổi), hướng dẫn viên chuyên dẫn tour cho khách Pháp, đã chuyển qua môi giới nhà đất suốt hai tháng nay.
Sẽ còn khó khăn đến tận cuối năm
Ông Phạm Xuân Hồng – chủ tịch Hội Dệt may thêu đan TP.HCM – cho biết khoảng 80% doanh nghiệp may mặc đang thiếu đơn hàng, một số ít doanh nghiệp còn đủ đơn hàng trong thời gian ngắn. Ngay cả nhiều doanh nghiệp may mặc lớn, doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) cũng thiếu đơn hàng trầm trọng và buộc phải giảm lao động. “Các doanh nghiệp vừa và nhỏ cũng thiếu đơn hàng nhưng do quy mô nhỏ nên có thể cầm cự bằng nhiều cách như kết hợp làm khẩu trang xuất khẩu hoặc giảm thời gian làm việc. Một số doanh nghiệp thì liên kết, chia sẻ đơn hàng với nhau. Đây là giải pháp tạm thời để giữ chân người lao động làm việc, chờ khôi phục sản xuất. Thu nhập người lao động tất nhiên giảm xuống nhưng nếu doanh nghiệp còn hoạt động thì người lao động vẫn còn việc làm” – ông nói – “Hiện trong hiệp hội của chúng tôi chưa có doanh nghiệp nào đóng cửa, giải thể mà vẫn đang cố gắng cầm cự. Tuy nhiên tình hình khó khăn này sẽ còn kéo dài đến cuối năm khi dịch bệnh trên thế giới vẫn đang diễn biến phức tạp” – ông cho biết thêm.
TP.HCM: Lao động mất việc có thể hơn 500.000 người Theo thống kê của Sở LĐ-TB&XH TP.HCM, trong 6 tháng đầu năm 2020 có khoảng 180.000 người đã đăng ký trợ cấp thất nghiệp. Số người đăng ký thất nghiệp trong những tháng gần đây liên tục tăng: tháng 5 có 27.000 người, tháng 6 có khoảng 30.000 người. Ông Lê Minh Tấn, giám đốc Sở LĐ-TB&XH TP.HCM, cho biết theo dự báo, sẽ có gần 5.000 doanh nghiệp thuộc nhiều lĩnh vực như dịch vụ, công nghiệp – xây dựng, dệt may, da giày, chế biến gỗ, thực phẩm… bị ảnh hưởng, kéo theo khoảng 160.000-180.000 lao động mất việc, khiến cho số lao động mất việc trong năm nay có thể lên đến hơn 500.000 người.
VŨ THỦY – TTCT
Đối diện tương lai bấp bênh
Đại dịch COVID-19 đang khiến tỉ lệ thất nghiệp gia tăng chưa từng có. Cộng đồng doanh nghiệp và người lao động đang cần thêm những hỗ trợ mới để có thể vượt qua giai đoạn đầy thách thức phía trước. Đương đầu với khó khăn vì công việc và thu nhập bất ngờ giảm sút vì đại dịch, gia đình chị Mận – anh Kiên ở Hà Nội đã phải xoay xở vất vả thời gian qua. Trước đại dịch, chị Mận là hướng dẫn viên du lịch, còn chồng là tài xế taxi. Họ đều bị ảnh hưởng nặng nề bởi đại dịch. Chị Mận bị nghỉ việc tạm thời, còn chồng phải giảm thời gian làm việc xuống còn 15 ngày/tháng. Chị Mận đã nghĩ ra nhiều cách làm thêm như dạy học, bán chè. Cả hai vợ chồng về quê thu gom gà, trứng gà, vịt về cung cấp cho khách trên Hà Nội. Với những lao động làm việc trong lĩnh vực phi chính thức như bán vé số, lao động tự do, tình cảnh càng bi đát hơn. Đơn cử như lĩnh vực xây dựng, một lượng lớn công trình bị đình trệ ở thị trường bất động sản lớn nhất nước là TP.HCM đã buộc nhiều công nhân xây dựng phải về quê vì không thể tiếp tục bám trụ với chi phí cuộc sống đắt đỏ ở thành phố. Theo Bộ Lao động – thương binh và xã hội, tính đến tháng 6-2020 đã có 7,8 triệu lao động mất việc, phải nghỉ luân phiên, giãn việc. Đáng lo ngại, cả nước hiện có 30,8 triệu người từ 15 tuổi trở lên bị ảnh hưởng tiêu cực bởi dịch COVID-19. Nếu không có những biện pháp quyết liệt hơn để khôi phục hoạt động của doanh nghiệp, dự kiến từ đây đến cuối năm sẽ có thêm 5 triệu người nữa thất nghiệp. Và không chỉ doanh nghiệp lớn bị ảnh hưởng, như công ty lâu đời Pouyuen (quận Bình Tân, TP.HCM), nơi có trên 62.000 lao động phải cho gần 2.800 lao động nghỉ việc hồi tháng 6 vừa qua vì đơn hàng liên tục sụt giảm, nhiều hộ kinh doanh cá thể, nhỏ lẻ cũng lâm vào khó khăn trầm trọng. Trên địa bàn TP.HCM có hơn 18.000 hộ kinh doanh gia đình phải đóng cửa trong 5 tháng đầu năm. Tương lai của thị trường việc làm trong phần còn lại của năm là khá u ám. VietnamWorks – công ty cung cấp các dịch vụ việc làm trực tuyến – cho biết có tới 70% người được khảo sát nói rằng thu nhập của họ bị ảnh hưởng. Đặc biệt, có tới 39,6% người lao động mất việc và chỉ 1,1% trong số họ trở lại làm việc toàn thời gian sau giai đoạn cách ly xã hội. “Với một lượng lớn người tìm việc đổ vào thị trường trong khi nhu cầu thuê mướn sụt giảm, thị trường lao động đang cạnh tranh khốc liệt hơn bao giờ hết” – VietnamWorks nhận định. Các chỉ số tổng quát của nền kinh tế Việt Nam không quá xấu, dù chưa thể kết luận là giai đoạn khó khăn nhất đã qua. Chỉ số Nhà quản trị mua hàng (PMI) của Việt Nam đạt 51,1 trong tháng 6, cải thiện mạnh so với 42,7 trong tháng 5. Đây là lần đầu tiên chỉ số này vượt ngưỡng 50 trong 5 tháng qua và là dấu hiệu tích cực cho thấy lĩnh vực sản xuất đang trên đà phục hồi. Ngay cả trong đại dịch, có thể thấy rằng dòng vốn đầu tư cho ngành công nghiệp sản xuất nói chung vẫn tăng mạnh, giúp cho một số ngành sinh hóa học, dệt may, gỗ nội thất… có sự ổn định, thậm chí một số ngành còn tăng trưởng nhẹ. Dù vậy, nhiều thách thức vẫn còn ở phía trước. Đó là do nhiều thị trường xuất khẩu chủ lực của Việt Nam (như Mỹ, châu Âu) vẫn còn đóng biên, trong khi thị trường tiêu thụ nội địa khó lòng phục hồi một sớm một chiều khi người tiêu dùng vẫn thắt chặt chi tiêu. “Mặc dù hơn 60% lực lượng lao động vẫn còn làm việc, một nửa trong số họ đã giảm lương. Kết hợp với nhu cầu tiêu dùng thấp gây ra bởi thu nhập thấp vì nhiều người đang mất việc, điều này khiến các công ty gặp nhiều khó khăn hơn” – VietnamWorks nhận định. Thời điểm các doanh nghiệp quay trở lại hoạt động bình thường như trước do đó vẫn còn là ẩn số. Khảo sát của VietnamWorks cho thấy hầu hết các công ty cho biết không thể xác định thời gian hoặc khá bi quan khi cho rằng cần ít nhất 3 tháng trở lên. Thậm chí hơn 18% các công ty nói sẽ mất hơn 6 tháng để hồi phục hoạt động bình thường. Hỗ trợ trực tiếp cho người lao động là cần thiết, nhưng về lâu dài phải là sự tiếp sức thật sự cho các doanh nghiệp, vì đó chính là nơi tạo ra công ăn việc làm. Chính phủ cho biết đang xây dựng kế hoạch kích thích kinh tế dài hơn. Cụ thể, mục tiêu tăng trưởng tín dụng cho hai năm 2020-2021 sẽ trên 10%, bội chi ngân sách, nợ công so với GDP dự kiến sẽ tăng thêm khoảng 3-4% để có thêm nguồn lực đầu tư, hỗ trợ doanh nghiệp. Tuy nhiên, chỉ hỗ trợ tài chính sẽ là không đủ, quan trọng không kém là chính sách, tạo môi trường bình đẳng hơn trong kinh doanh, miễn giảm và nới lỏng thuế, cũng như thúc đẩy phát triển hạ tầng.
NAM MINH – TTCT Related Người lao động phải “đa năng” ? Học thêm nghề dự phòng. In "General Posts" IT Việt Nam 2020 In "Economy-Finance" Phác thảo chân dung đồng nghiệp tương lai Gen Z In "Children"
Posted on 2020 by Nguoidentubinhduong in Economy-Finance, General Posts, Sharing, Thoughts 0
Post navigation
Previous postHuge Cadillac Lyriq EV display revealed – plus a design Easter Egg Next postFreeFileSync is a folder comparison and synchronization software that creates and manages backup copies of all your important files…
Thank you so much
Comments