top of page
Writer's picturenguoidentubinhduong

Chuyện trường dạy nghề

Chuyện thầy và thợ

Hệ thống trường nghề đào tạo kép của Đức đã qua mấy trăm năm thử thách, được cho là đảm bảo tính sát thực tế, các doanh nghiệp tham gia đào tạo không “lỗ” khi trả lương cho học sinh, và cả xã hội cũng có lợi.


Ngày còn sống ở nước ngoài, tôi có đứa cháu đỡ đầu xinh như thiên thần, mắt xanh, tóc vàng, và sáng dạ lạ thường, luôn miệng hát líu lo, chỉ có cái tật là vào lớp 1 vẫn còn mút tay khi ngủ. Lúc mời mẹ tôi sang thăm thì bà yêu nó lắm. 

Chơi với nó có mấy bữa mà về nhà cả chục năm vẫn hay hỏi thằng bé giờ học hành ra sao, lớn chừng nào, còn mút tay không, con một là hay được chiều chuộng quá đáng lắm…

Bẵng đi ít lâu, tôi kể cho mẹ nghe, bố mẹ thằng Stefan mới báo tin nó tốt nghiệp phổ thông rồi, đi học và ở ký túc xá xa nhà mà tự lập lắm. Mẹ tôi hỏi ngay, nó học ngành gì, rồi bà rơm rớm nước mắt…


Chuyện quản lý nhà nước


Có lẽ nước Đức là một trong những quốc gia hiếm hoi không có bộ giáo dục hay ít nhất là không có cơ quan nào chuyên trách 100% về giáo dục và đào tạo. Cộng hòa Liên bang Đức, như cái tên cho thấy, là một nhà nước liên bang, và đấy là một hình thái rất rối rắm và lạ mắt đối với người ngoài cuộc, cũng vì thế chỉ kể sơ sơ chứ chẳng định so bì làm gì.

Trên thượng tầng liên bang thì có bộ giáo dục và nghiên cứu (cấp liên bang), song cơ quan này chỉ đưa ra khung nội dung đào tạo chung chung như hô khẩu hiệu, chứ từ việc to như thành lập đại học và phong giáo sư cho đến nhỏ như in sách giáo khoa màu gì, do ai biên soạn, bán hay phát miễn phí… đều do các bang tự quyết định và chi trả.

Cơ quan cấp bang cũng tên là bộ (như sở ở ta) và có đủ tên khác nhau như Bộ Văn hóa và châu Âu, Bộ Khoa học và văn hóa, Bộ Nghiên cứu và nghệ thuật…, và tham gia đạo diễn một phần công tác giáo dục cũng như đào tạo nghề.

Giáo dục hàn lâm của Đức thì ta đã nghe nhiều, ngày xưa mấy vạn học sinh Việt Nam được học hành ở Đông Đức bằng học bổng nhà nước, thời nay cũng có vài ngàn thanh niên sang học đại học và sau đại học bằng tiền của bố mẹ ở một hệ thống giáo dục chủ yếu miễn phí.


Thực ra cũng phải đóng vài trăm euro mỗi học kỳ, song tiền ấy chỉ đủ làm giấy tờ và nhận vé tháng cho giao thông công cộng địa phương.

Công tác đào tạo nghề có lẽ đáng quan tâm hơn, vì nó chỉ ra một thành công dựa trên đường đi khác biệt: trong khu vực nói tiếng Đức (có thêm Áo, Thụy Sĩ) có một thứ đặc sản được xuất khẩu đi khá nhiều nơi trên thế giới, tên là Hệ thống đào tạo kép hay Đào tạo phối hợp. Hệ thống này xuất hiện cả ở Hoa Kỳ hay Na Uy…, nhưng có lẽ vì lý do lịch sử mà không thành công lắm.

Mô hình đào tạo nghề với những nét cơ bản còn tồn tại đến tận hôm nay đã xuất hiện ở Đức thời Trung Cổ, tức là khoảng thế kỷ 12, khi nước Đức dù không ở hiện trạng địa lý như bây giờ song đã là một nhà nước thương mại phát triển.

Họ lập ra các hội đoàn thợ thủ công với một cơ chế tự cung cấp nhân lực thạo nghề gọi là hệ thống thợ cả (học trò – thợ học nghề – thợ cả).

Nhân thể kể thêm cho đỡ khô khan: bốn năm nay tôi theo hầu một số thợ cả Đức sang hỗ trợ mấy trường cao đẳng nghề Đồng Nai và Long Thành để đào tạo giáo viên cho mấy nghề mới, nhờ đó được bổ sung cho từ vựng đôi phần gỉ sét của mình: cái tên “thợ cả” mộc mạc quê mùa sắp tuyệt chủng, thay vào đó là “Bachelor Professional” (thợ nghề cấp cử nhân?), học nâng cao được vài khóa thì thành “Master Professional” (thợ nghề cấp thạc sĩ?), toàn những danh hiệu chát chúa từ bên kia cái ao to Đại Tây Dương trôi sang, và khôi hài thay, từ một nước chật vật mãi không phát triển được đào tạo nghề kép kiểu Đức như vẫn kỳ vọng – là đang nói Hoa Kỳ, chứ không phải Việt Nam nhé.

Thằng Stefan, lát nữa sẽ kể thêm, viết thư kể với tôi là ông bảo vệ ký túc xá của nó, mọi khi vẫn đi thay bóng đèn hành lang cháy hoặc tưới cây và lau cửa kính, gần đây có hàng chữ mới thêu trên áo bảo hộ lao động: “Facility Manager” (giám đốc cơ sở vật chất).

Nhìn một cách tích cực thì sự quốc tế hóa ấy chứng tỏ nước ngoài rất quan tâm đến việc dạy nghề kép kiểu Đức, Áo và Thụy Sĩ.


Lịch sử dạy nghề


Rất lâu trước khi có cái gọi là cách mạng công nghiệp ở châu Âu làm Marx và Engels tốn nhiều giấy mực, các đô thị Đức đã bắt đầu đào tạo nghề có hệ thống. Các làng nghề hay hội nghề thủ công (thợ nướng bánh, thợ đóng giày, thợ rèn, thợ dệt…) tự đặt ra quy chế đào tạo và tổ chức sát hạch, cấp bằng.

Thợ học nghề được thợ cả cầm tay chỉ việc và thường được nuôi ăn ở và cũng làm thằng hầu trong gia đình thầy luôn. Để bảo vệ lợi ích kinh doanh, nhà nước hỗ trợ bằng quy định: chỉ có người đang hoặc đã học nghề mới được làm một nghề cụ thể.

Chuyện này bây giờ tên là “lợi ích nhóm”, bù lại thì tranh thủ giữa vụ chiêm và vụ mùa ra thành phố xây nhà 7 tầng bằng bêtông cốt tre là chuyện bị chính quyền cấm!

Các cơ sở thủ công ngày càng chịu nhiều áp lực theo tiến trình công nghiệp hóa. Họ không chỉ có sức sản xuất kém hơn máy móc và băng chuyền đời mới, mà còn rơi vào thế bí bởi tư tưởng tự do kinh doanh bắt đầu bùng ra ở Phổ (tiền thân của nước Đức), dẫn đến các cải cách đầu thế kỷ 19.

Khác với phần còn lại của châu Âu, Đức phản ứng tương đối bảo thủ bằng Luật bảo vệ nghề thủ công 1897 và để các hội thủ công độc quyền quy định đào tạo nghề. Phía công nghiệp cũng học theo và lăm le thành lập các phòng công thương nghiệp với công năng tương tự, cho đến khi Chiến tranh thế giới I và II dìm tất cả vào máu lửa.

Hòa bình rồi, Đức ban hành Quy chế nghề thủ công 1953 và Luật đào tạo nghề 1969, lấy nhà nước làm nhạc trưởng trong dàn nhạc dạy nghề. Trên cơ sở đó, toàn nước Đức dạy nghề và thi tay nghề, phát bằng cấp theo cùng một bộ quy định thống nhất.

Về cơ bản nó vẫn dựa trên hệ thống đào tạo kép và quá khứ đã được thử thách cả ở Áo, Thụy Sĩ và Đan Mạch: học lý thuyết ở trường nghề của nhà nước, thực hành ở một doanh nghiệp kết hợp, cũng là nơi trực tiếp ký hợp đồng đào tạo và trả lương cho học sinh ngay từ ngày đầu tiên vào trường.

Mô hình này cũng một phần được triển khai ở Mỹ và Anh (với tên gọi “training on the job”, đại khái là “huấn luyện nghề dạy nghề”), hoặc cả ở Pháp, dù sự tham gia của doanh nghiệp ở những nơi đó yếu ớt hơn hẳn so với Đức.

Bằng tốt nghiệp thợ nguội của làng nghề Nuremberg 1915, ghi rõ được đào tạo theo Luật bảo vệ ngành thủ công 1897 theo quy chế đào tạo của phòng thủ công địa phương. Ảnh: picture-alliance/akg


Đào tạo kép


Nói vắn tắt thì học sinh học ở trường dạy nghề tại Đức học các môn lý thuyết, ngoại ngữ, kỹ năng sống và thể chất, mỗi tuần trung bình 12 tiết – hay 2 ngày. 3-4 ngày còn lại đều là thực hành ở một cơ sở sản xuất.

Người ta cũng có thể tùy nghề mà dồn các môn lý thuyết thành cả tuần. Doanh nghiệp tuy trả lương nhưng phải bảo đảm chất lượng đào tạo theo tiêu chí của bang về sư phạm, nhân lực và trang bị kỹ thuật.

Học sinh trường nghề đang học việc ở xưởng – doanh nghiệp không được phép cử đi làm việc vặt ngoài chuyên môn như rửa bát nhặt rau. Sau ba năm đến ba năm rưỡi, họ làm bài thi do phòng thủ công nghiệp hay phòng công thương nghiệp ra đầu đề, chấm và phát bằng.

Đào tạo kép qua mấy trăm năm thử thách được cho là đảm bảo tính sát thực tế, các doanh nghiệp tham gia đào tạo không “lỗ” khi trả lương cho học sinh, vì từ năm thứ hai trở đi học sinh dần dần tham gia lao động và tạo ra sản phẩm thực sự, ngoài ra công ty có đủ thì giờ ngắm nghía chọn ra ứng viên thành thạo cả tay nghề lẫn tổ chức sản xuất để tuyển vào làm chỗ mình.

Được học sát thực tế, công nhân kỹ thuật Đức ít bị đào tạo lại khi vào làm việc độc lập. Tuy nhiên, người tốt nghiệp, vốn yên tâm vì có tiền sinh hoạt, có quyền cầm chứng chỉ nghề để chọn nơi làm việc khác – làm nảy sinh cuộc cạnh tranh giữa các chủ lao động.

Viện nghiên cứu kinh tế Đức IFO trong khảo sát sâu hồi năm 2013 giải thích lý do chính khiến tỉ lệ thanh niên Đức thất nghiệp thấp nhất Tây Âu là nhờ hệ thống đào tạo kép. Thời hoàng kim của kinh tế Đức – những năm đầu thế kỷ 21 cho đến trước dịch COVID-19 – bao giờ cũng trên 50% học sinh tốt nghiệp phổ thông chọn học nghề thay vì lên tiếp đại học.

Một công ty ở miền bắc Đức thưa dân còn lôi kéo học sinh học nghề bằng một ưu đãi khó tin: trong ba năm học, học sinh được phát ôtô để dùng riêng!


Vị thế xã hội của thằng Stefan


Có lẽ sẽ quá lan man khi so sánh các triết thuyết và tâm lý xã hội của phương Tây và phương Đông trong chuyện dạy nghề, nên xin phép chỉ dẫn chiếu hẹp hơn một triết gia xã hội học Anh/Mỹ khá nặng ký thời nay: Richard Sennett, sinh năm 1943, con trai một gia đình Nga nhập cư và chuyên sâu nghiên cứu chủ nghĩa tư bản toàn cầu hóa.

Lúc Sennett thành danh thì Khổng Tử đã qua đời từ lâu, dù là triết lý “một người làm quan cả họ được nhờ”, “vạn nghề đều hạ phẩm, chỉ có đọc sách là cao” của ông thầy cúng kiêm triết gia mập mờ từ Trung Quốc hãy còn dai dẳng tồn tại ở nhiều nền văn hóa tận ngày nay.

Một ngày đẹp trời, triết gia Sennett bất ngờ tung ra tác phẩm The Craftsman (Người thợ thủ công). Thoạt tiên hãy bàn đến cách dịch khái niệm từ “craftsman”, mà tiếng Việt lâu nay vẫn là thợ thủ công(còn ngôn ngữ của quê hương Khổng Tử hiện đại cũng tương đương: “thủ công nghiệp công nhân”), nói chung nghe là đã không thấy được coi trọng lắm rồi.

Sennett cho biết: ông quan sát 15 năm ròng những vị cổ cồn ở văn phòng của những doanh nghiệp thuộc về “new economy” – nền kinh tế thời mới, đại khái là kinh tế hiện đại, thời mới bắt đầu có những nghề như “nhân viên văn phòng” – và thấy đại đa số dù làm ra tiền, không thấy thỏa mãn với công việc.

Công trình nghiên cứu về “thợ thủ công” của Sennett dạy ta một định nghĩa mới: ước vọng làm thật tốt một thứ gì cụ thể cho chính mình. Trong mắt Sennett, thợ thủ công không nhất thiết là một anh thợ công nhật lấm lem (theo cách nhìn phương Đông?), mà có thể là một thợ kim hoàn, nhạc công, kỹ sư tin học, hay thậm chí cả chính khách.

Phải chăng chúng ta đã tắm quá lâu trong dòng chảy Nho giáo để chỉ thích mũ cao áo dài, để không còn nhận ra hạnh phúc được “làm thật tốt một thứ gì cụ thể” bằng chính đôi tay của mình, thay vào đó lao vào học thuộc 20 tác gia trung đại để hi vọng “trúng tủ” trong kỳ thi Đường lên đỉnh Olympia, cốt tránh “không học hành tử tế thì chỉ có cạp đất mà ăn”, như nhiều bậc phụ huynh vẫn đe, không phải với ý đồ hướng nghiệp cho con sau này vào ngành bất động sản.

Đi đâu cũng nghe phàn nàn xã hội ta thừa thầy thiếu thợ, phục vụ bàn có bằng đại học không khó kiếm, nhưng tìm được bác thợ mộc sửa lại cái chân bàn cho tử tế chẳng dễ chút nào.

Song có ai vì thế mà không bán trâu bán bò cho con vào đại học “cho bằng anh bằng em”, kẻo mặt mũi sáng sủa thế kia mà đi làm phu hồ thì cha mẹ “mặt mũi nào nhìn hàng xóm”?

Quay lại thằng cháu đỡ đầu của tôi, nó có tội gì mà làm mẹ tôi rơm rớm nước mắt? Nó tốt nghiệp phổ thông thì xin đi học môn “logopedics” – chuyên điều trị và luyện cho trẻ con bị rối loạn nhận thức giao tiếp, rối loạn giọng nói và rối loạn nuốt, nói theo giọng Khổng Tử là bọn ngắn lưỡi, bọn ngọng, bọn ấm đầu nói chẳng thành câu.

Mẹ tôi, một bác sĩ nhân từ, chẳng cần hỏi thằng Stefan có hạnh phúc không, chỉ thấy nó tội nghiệp bị trời đày phải làm việc đó. Giá mà nó thành ca sĩ opera hay kỹ sư tin học, hay tốt nhất là cả hai, có phải cả họ nhà nó nở mày nở mặt không!


LÊ QUANG – Theo TTCT

Recent Posts

See All

New blog - New House

Welcome to my blog Chào mừng bạn đến ngôi nhà mới của tôi trên WordPress, tên mới là : Muôn Kiếp Nhân Sinh tên một quyển sách rất hay....

コメント


bottom of page